1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:


Cùng tìm hiểu bệnh nhau cài răng lược với Điều dưỡng Hà Nội

0

Nhau cài răng lược là hiện tượng nhau thai bám sâu vào lớp tử cung thậm chí xâm lấn vào bàng quang, ruột gây nguy hiệm cho mẹ & bé khi sinh.

Cùng tìm hiểu bệnh nhau cài răng lược với Điều dưỡng Hà Nội

Cùng tìm hiểu bệnh nhau cài răng lược với Điều dưỡng Hà Nội

Tình trạng nhau cài răng lược là như thế nào?

Nhau cài răng lược là sự bám bất thường hoặc xâm lấn một phần hay toàn bộ bánh nhau vào lớp cơ tử cung, vượt quá lớp niêm mạc bám chắc và sâu vào tử cung, thậm chí xuyên thủng cả lớp cơ tử cung để xâm lấn vào cơ quan lân cận như bàng quang, ruột nên nhau cài răng lược không thể tróc được một cách tự nhiên như nhau thai bình thường.

Theo thống kê của bệnh viện Từ Dũ, trong năm 2011 bệnh viện đã tiếp nhận 46 trường hợp được chẩn đoán bị nhau cài răng lược sau tuần 22 của thai kỳ, chiếm tỷ lệ khoảng 1/1.100 ca sinh. Mặc dù hiếm gặp nhưng đây lại là một biến chứng nguy hiểm phải chỉ định cắt tử cung chu sản, có thể cướp đi mạng sống của thai phụ hoặc tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe sinh sản của người bệnh.

Ai có nguy cơ bị nhau cài răng lược?

Những phụ nữ đã từng sinh con bằng phương pháp đẻ mổ lấy thai có nguy cơ mắc nhau cài răng lược cao hơn những phụ nữ sinh thường do đã có vết sẹo mổ ở thành tử cung. Trước đây, tỷ lệ mắc nhau cài răng lược là 1/4027 ca sinh nở, nhưng với tình trạng sinh mổ phổ biến như hiện nay, nhau cài răng lược có nguy cơ trở nên phổ biến hơn với tỷ lệ là khoảng 1/533 ca sinh nở. Như vậy, mổ đẻ làm tăng nguy cơ mắc phải nhau cài răng lược.

Một số yếu tố khác cũng được coi là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc nhau cài răng lược như nhau tiền đạo (bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung hoặc tràn vào lỗ cổ tử cung thay vì bám).

Siêu âm 2D là một xét nghiệm hữu ích trong việc tầm soát nhau cài răng lược

Siêu âm 2D là một xét nghiệm hữu ích trong việc tầm soát nhau cài răng lược

Trường hợp bệnh nhau cài răng lược có thể phát hiện sớm không?

Theo Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Từ Dũ, trong vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc nhau cài răng lược tăng lên đáng kể (khoảng 1/2000-2500 ca sanh). Sự gia tăng này liên quan với tăng tỷ lệ mổ lấy thai tăng cao trong 30 năm trở lại đây.

Theo giảng viên Ngành Điều dưỡng – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Siêu âm 2D là một xét nghiệm hữu ích trong việc tầm soát nhau cài răng lược. Tiêu chuẩn siêu âm mạnh nhất là hiện diện lỗ hỏng trong nhau. Mất đường viền giảm âm giữa bánh nhau và cơ tử cung có độ nhạy thấp và giá trị tiên đoán dương tính thấp.

Siêu âm Doppler năng lượng 3D là công cụ hữu ích phối hợp với siêu âm 2D. Sự hiện diện của ít nhất 2 tiêu chuẩn trên siêu âm cho phép tăng độ mạnh chẩn đoán của siêu âm 2D hoặc 3D và làm giảm dương tính giả.

Hình ảnh cộng hưởng từ, ở những bệnh nhân mà siêu âm 2D nghi ngờ nhau cài răng lược, là công cụ cuối cùng cho phép làm tăng hiệu năng chẩn đoán.

Trong trường hợp nghi ngờ nhau cài răng lược trước sanh, phương pháp điều trị triệt để ngày nay cần phải được xét đến. Thuận lợi và bất lợi của mổ lấy thai – cắt hoàn toàn tử cung và điều trị bảo tồn được trình bày rõ ràng cho bệnh nhân và người nhà, người phải được tham gia vào các tùy chọn đã được lựa chọn.

Trong hiểu biết ngày nay, dường như hợp lý khi đề nghị mổ lấy thai- cắt hoàn tử cung nếu bệnh nhân không muốn có con nữa, đã lớn tuổi và đã có nhiều con. Trái lại, nếu bệnh nhân vẫn muốn có thai, trẻ tuổi và chưa có con hoặc mới có một con, điều trị bảo tồn được đề nghị.

Nếu nhau cài răng lược được chẩn đoán trong quá trình mổ lấy thai, có thể có hai lựa chọn với điều kiện ngừng ý định bóc nhau trước khi xuất huyết nghiêm trọng. Trong những trường hợp hiếm nhau cài răng lược xâm lấn bàng quang, sẽ hợp lý khi ưu tiên điều trị bảo tồn.

Điều trị nhau cài răng lược được xử trí như thế nào?

Trong trường hợp nhẹ, sản phụ sẽ được bồi hoàn máu và tử cung sẽ tự cầm máu, trường hợp nặng hơn thường phải phẫu thuật.

Khi thấy nhau bám quá chặt, xâm lấn các cơ quan lân cận, bác sĩ sẽ đề nghị mổ lấy em bé, để nguyên bánh nhau và cắt tử cung cùng với bánh nhau, vì nếu cố bóc nhau sẽ làm mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung lẫn các cơ quan lân cận.

Trong trường hợp nhau cài răng lược ít hơn, có thể chỉ định mổ sinh, cố gắng lấy phần nhau bong được, phần nhau khó lấy sau đó sẽ dùng thuốc để hủy. Mổ sinh có nhau cài răng lược là một cuộc mổ khó, đòi hỏi kỹ thuật tay nghề của bác sĩ ngoại khoa phải cao vì phải đối mặt với khả năng mất máu nhiều cũng như có khả năng ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo của sản phụ.

Nếu sản phụ đã lớn tuổi, đủ con, khi đã quyết định cắt tử cung thì bác sĩ thường cắt tử cung nguyên khối (không bóc nhau). Đối với sản phụ còn trẻ, chưa đủ con bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn tử cung. Nếu bảo tồn tử cung bác sĩ cần phải điều trị hỗ trợ như giảm lượng máu tới tử cung (thắt động mạch tử cung, động mạch hạ vị), may cầm máu nơi nhau bám, hóa trị hỗ trợ sau mổ nếu không lấy hết mô nhau, nạo lòng tử cung. Một phương pháp khác ít được áp dụng là đặt một bóng catheter làm tắc mạch chậu nên giảm tưới máu đến tử cung và giảm mất máu trong lúc mổ.

Để chủ động hơn và tránh những tình huống nguy hiểm trên, phụ nữ nên tránh nạo phá thai hay mổ trên tử cung nhiều lần vì sẽ dễ gây ra nhau cài răng lược. Khi đã được chẩn đoán tình trạng này, cần hết sức bình tĩnh và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để sẵn sàng chấp nhận các phương pháp điều trị nhằm đem lại an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Nguồn: Trung cấp Hộ sinh