Cái tên sẽ đi cùng bé đến suốt đời. Nhiều phụ huynh rất băn khoăn về vấn đề này ngay từ khi bắt đầu mang thai. Bài viết sau sẽ gợi ý về cách đặt tên cho bé.
Xem thêm:
- Hộ sinh cung cấp thông tin về thời điểm ” chuyển dạ”
- 5 loại quả không nên ăn khi mang bầu
- Mẹ bầu tăng bao nhiêu kg là đạt tiêu chuẩn
1. Tên con gắn với kỷ niệm của bố mẹ:
Lần đầu bố mẹ gặp nhau tại đâu? Đâu là nơi mẹ nhận được lời bố tỏ tình hay cầu hôn? Nếu ngày đầu tiên bố mẹ gặp nhau đó là bên dòng sông thơ mộng vào một chiều thu đẹp trời, thì tên con có thể là “Thu Giang”.
Mẹ nhận được lời cầu hôn của bố vào một buổi chiều mùa Xuân nắng nhè nhẹ, vậy nếu là con gái mẹ có thể đặt tên là Chiều Xuân, với ý nghĩa sẽ nhớ mãi chiều mùa Xuân kỉ niệm đó
2. Tên con là mong ước, kỳ vọng của bố mẹ:
Nếu muốn con trai có những phẩm đức quý báu đặc thù của nam giới thì bố mẹ có thể chọn tên là Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Đức, Thành, Hiếu, Trung, Khiêm, Văn, Phú…
Bố mẹ còn ước mơ dang dở và mong con sẽ đủ chí hướng, hoài bão để kế tục thì những cái tên: Đăng, Đại, Kiệt, Quốc, Quảng… sẽ rất thích hợp để đặt cho bé
Để sự may mắn, phú quý, an khang luôn đến với con của mình, bố mẹ có thể chọn những chữ như: Phúc, Lộc, Quý, Thọ, Khang, Tường, Bình…
Không những thế, bố mẹ có thể dùng các biểu tượng tạo cảm giác vững chãi, mạnh mẽ: Sơn (núi), Hải (biển), Phong (ngọn, đỉnh)… để đặt tên cho con với niềm tin lớn lên con sẽ trở thành người mạnh mẽ, vững vàng…
3. Điểm nhấn cho tên con là chiều dài của tên
Muốn cho bé có 1 cái tên độc đáo mà vẫn hay, bố mẹ có thể chọn cách ghép họ của bố và mẹ thành tên con như Lê Hoàng, Nguyễn Sơn, Lâm Lan….
Nếu không thích tên ngắn, bố mẹ có thể tham khảo những cái tên dài hơn, theo công thức ghép họ bố và họ mẹ cộng tên dự định đặt cho con. Ví dụ: Trần Phan Gia Bảo, Phạm Vũ Cát Tiên, Nguyễn Phạm Anh Minh…
4. Sử dụng các từ đặc biệt:
Hãy thử dùng một số từ đặc biệt, được ít người dùng để khiến tên con bạn luôn đặc biệt và nổi bật giữa đám đông.Với một cái tên đệm đặc biệt và một cái tên bình thường, con bạn đã có thể tự hào về tên của mình rồi. Chẳng hạn: Á Linh, Ai Ly, Tiểu Mẫn….
5. Tên “sinh đôi”
Ví dụ: Bảo Bảo, Linh Linh…Đây là xu hướng hiện đang được nhiều ông bố bà mẹ lựa chọn, việc lặp lại 2 lần 1 tên, khiến người khác khó có thể quên được cái tên đó mà nghe cũng rất đáng yêu nữa
6. Tên con giống tên người nổi tiếng:
Đây cũng là một gợi ý để bố mẹ có thể dễ dàng chọn tên cho con. Nếu mẹ muốn con gái cũng xinh đẹp và thành đạt thì có thể đặt tên con là “Thúy Hạnh, Ngọc Ánh, Anh Thư”. Nếu bố thích con trai giỏi giang và thành tài, bố có thể nghĩ đến cái tên “Bảo Châu, Bình Minh”…
Và bố mẹ cũng cần lưu ý một số điểm “nhạy cảm” sau đây khi đặt tên nhé:
1. Đặt tên phải có ý nghĩa?
Không chỉ gọi thuận miệng mà đặt tên con còn cần chú trọng ý nghĩa của tên. Nhiều tên đọc rất hay nhưng đến khi soi nghĩa thì lại thấy rất buồn cười như: Lý Văn Toán, Đinh Bộ Lĩnh, Bùi Văn Phòng, Trần Trương Phi…
2. Tên có bị trùng?
Người Việt Nam khá coi trọng việc con cháu ở dưới thì không được đặt trùng tên với các bậc bề trên. Nếu gia đình vẫn còn nặng nề chuyện này thì bố mẹ cần kiểm tra lại cái tên đang định chọn có trùng với tên của một thành viên trong dòng họ hai bên nội ngoại không nhé.
3. Có nên nghe theo ý kiến của ông bà?
Có nhiều trường hợp, ông bà muốn giành phần đặt tên cho bé. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì ông bà cũng rất yêu cháu và muốn quyết định thay cho con cái mình một việc quan trọng. Việc bố mẹ cần làm đó là lắng nghe và tham khảo ý kiến của ông bà nhưng người đưa ra quyết định cuối cùng vẫn chính là bố mẹ.
4. Tên có hợp với họ?
Đây cũng là một điểm mà các mẹ không nên bỏ qua khi đặt tên cho con. Mẹ nhớ thử ghép tên gọi của con với họ xem có hợp không nhé, đôi khi chỉ một sự sơ xuất nhỏ lại khiến tên bé trở thành tâm điểm trêu chọc của bạn bè, chẳng hạn như: Đỗ Như Núi, Cao Phi Linda, Bùi Công Nhân…
5. Liệu mai sau con có thích cái tên của mình không?
Cha mẹ là người chọn tên cho con, nhưng con mới là người sống với nó cả đời. Hãy đặt mình vào vị trí của con để nghĩ xem mai này bé có thích tên của mình không nhé.