Chàm sữa là bệnh da liễu phổ biến ở trẻ nhỏ, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ tái phát, kéo dài và có thể tiến triển thành chàm thể tạng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của trẻ.
- Nguyên nhân và dấu hiệu băng huyết sau sảy thai cần cảnh giác
- Nhận biết và phòng tránh biến chứng sau khi mổ thai ngoài tử cung

Bài viết dưới đây chuyên gia y tế tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ giúp quý phụ huynh hiểu rõ hơn về triệu chứng của bệnh chàm sữa cũng như các phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả.
Bệnh chàm sữa là gì?
Chàm sữa (hay còn gọi là lác sữa) là một dạng viêm da dị ứng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trong giai đoạn từ 2 đến 6 tháng tuổi. Bệnh gây tổn thương trên da với biểu hiện đỏ, khô, ngứa và có thể chảy dịch, gây khó chịu cho trẻ. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, chàm sữa có khả năng tái phát nhiều lần và nếu không được điều trị đúng cách có thể chuyển sang thể chàm mãn tính (chàm thể tạng), ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe lâu dài của trẻ.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra chàm sữa vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Cơ địa dị ứng hoặc tiền sử gia đình có người mắc các bệnh lý như hen suyễn, dị ứng da, nổi mề đay,…
- Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng từ môi trường như lông động vật, nấm mốc, bụi bẩn hoặc các sản phẩm chăm sóc da, chất tẩy rửa.
- Thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi chuyển lạnh hoặc hanh khô.
- Rối loạn tiêu hóa hoặc phương pháp cho trẻ bú chưa phù hợp.
- Làn da trẻ quá khô do tắm quá lâu hoặc tắm nhiều lần trong ngày.
- Nhiễm virus hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
Việc nhận biết và can thiệp sớm sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Triệu chứng nhận biết bệnh chàm sữa
Triệu chứng của bệnh chàm sữa thường xuất hiện đầu tiên ở vùng má, sau đó có thể lan rộng ra tay, chân, vùng nếp gấp như cổ tay, khuỷu tay, sau đầu gối hoặc mắt cá chân. Các biểu hiện đặc trưng gồm:
- Giai đoạn đầu: Da trẻ xuất hiện các nốt mẩn đỏ, cảm giác ngứa rát. Vùng da tổn thương trở nên nhạy cảm hơn bình thường.
- Giai đoạn tiến triển: Các nốt đỏ phát triển thành mụn nước li ti, có thể bị vỡ và chảy dịch. Sau đó, da đóng vảy, bong tróc, có thể để lại sẹo nếu không được chăm sóc đúng cách.
- Trẻ thường xuyên ngứa ngáy, quấy khóc, ngủ không sâu giấc, bú kém, dễ cáu gắt.
- Một số trẻ có thể đi kèm triệu chứng của cơ địa dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
Đáng lưu ý, việc trẻ gãi nhiều vào vùng da bị ngứa có thể gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến bội nhiễm và làm quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn. Phụ huynh cần theo dõi kỹ các dấu hiệu và có biện pháp ngăn ngừa sớm.
Giải pháp điều trị bệnh chàm sữa hiệu quả
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn lưu ý trong hầu hết các trường hợp, nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh chàm sữa có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt tình trạng và ngăn ngừa biến chứng, phụ huynh cần lưu ý các bước sau:
- Xác định và loại bỏ tác nhân gây dị ứng: Trước tiên, cần xác định các yếu tố có thể gây kích ứng cho trẻ, từ thực phẩm đến môi trường sống hoặc sản phẩm chăm sóc da. Việc loại bỏ các yếu tố này sẽ giúp làm giảm nguy cơ tái phát bệnh.
- Chăm sóc và dưỡng ẩm da đúng cách: Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ em để duy trì độ ẩm cho da, tránh để da bị khô nứt. Khi tắm cho trẻ, nên dùng nước ấm và các sản phẩm tắm gội dịu nhẹ, không chứa hương liệu hoặc chất tẩy rửa mạnh.
- Điều trị bằng thuốc theo chỉ định bác sĩ: Nếu tình trạng bệnh nặng hoặc kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc Da liễu để được thăm khám và kê đơn thuốc. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc bôi chống viêm, kháng khuẩn hoặc thuốc kháng histamin nếu trẻ ngứa nhiều. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc dân gian hoặc thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị cho trẻ, vì có thể khiến tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn.
Việc điều trị chàm sữa ở trẻ sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi phụ huynh chủ động nhận diện sớm triệu chứng, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và kiên trì trong việc chăm sóc da đúng cách cho trẻ. Đây là nền tảng quan trọng giúp hạn chế tối đa nguy cơ tái phát cũng như những biến chứng lâu dài của bệnh.

Những lưu ý quan trọng trong chăm sóc trẻ bị chàm sữa
Để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát trong quá trình nuôi dạy con, phụ huynh cần lưu ý một số điểm sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Trong 6 tháng đầu đời, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn để tăng cường sức đề kháng. Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, nên cho trẻ làm quen dần với từng loại thực phẩm mới, tránh cho ăn đồ ăn dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, thực phẩm lên men,…
- Vệ sinh cá nhân: Giữ da trẻ luôn sạch sẽ, khô thoáng. Tắm cho trẻ bằng nước ấm, không quá lâu và không quá nhiều lần trong ngày. Quần áo, tã lót nên được làm từ chất liệu mềm mại, thông thoáng, không gây kích ứng da.
- Môi trường sống: Giữ phòng ngủ của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát. Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi như chó mèo, thường xuyên vệ sinh chăn, gối, đồ chơi để tránh bụi bẩn và vi khuẩn.
Chàm sữa là bệnh lý không hiếm gặp ở trẻ nhỏ, tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị đúng phương pháp là yếu tố then chốt giúp trẻ nhanh chóng phục hồi. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.