Băng huyết sau sảy thai là biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng phụ nữ.
- Những điều mẹ bầu cần lưu ý về rối loạn tuyến giáp khi mang thai
- Cách nhận biết sảy thai sinh hóa và giữ gìn sức khỏe sinh sản

Băng huyết sau sảy thai là gì?
Băng huyết sau sảy thai là tình trạng chảy máu âm đạo nhiều và kéo dài sau khi thai bị tống xuất ra ngoài, với lượng máu thường từ 500ml đến 1000ml trong vòng 24 giờ. Tình trạng này được phân thành hai dạng chính:
- Băng huyết nguyên phát: Xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ đầu sau sảy thai, thường chảy máu ồ ạt và đột ngột.
- Băng huyết thứ phát: Xuất hiện muộn hơn, thường sau 24 giờ và có thể kéo dài nhiều ngày với mức độ chảy máu âm ỉ nhưng liên tục.
Cả hai dạng đều có nguy cơ gây mất máu cấp, dẫn đến thiếu oxy, suy tuần hoàn và nếu không can thiệp kịp thời, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của sản phụ.
Nguyên nhân thường gặp gây băng huyết sau sảy thai
Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn khuyến nghị việc hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sảy thai là điều cần thiết để có biện pháp phòng ngừa và xử trí kịp thời. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Đờ tử cung: Sau khi thai được đẩy ra ngoài, tử cung cần co bóp để ép chặt các mạch máu tại nơi nhau thai từng bám. Nếu tử cung không co bóp hoặc co bóp yếu (gọi là đờ tử cung), máu sẽ chảy ra liên tục và không được cầm lại. Tình trạng này thường gặp ở sản phụ từng sinh nhiều lần, có u xơ tử cung hoặc bị nhiễm trùng ối.
- Bất thường ở bánh nhau: Khi nhau thai bám bất thường như bám thấp, bám sâu vào cơ tử cung hoặc che kín cổ tử cung, việc bong nhau sẽ gây chảy máu nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, bánh nhau có kích thước lớn cũng làm tăng lượng máu mất khi sảy thai.
- Tổn thương đường sinh dục: Trong quá trình sảy thai, nếu âm đạo, cổ tử cung hoặc tử cung bị tổn thương, các mạch máu tại đó có thể bị vỡ gây chảy máu ồ ạt.
- Rối loạn đông máu: Một số phụ nữ có rối loạn đông máu bẩm sinh hoặc gặp biến chứng như nhau bong non, thai lưu, nhiễm trùng… sẽ khó cầm máu sau sảy thai, dẫn đến nguy cơ băng huyết nghiêm trọng.
Nhận biết đúng nguyên nhân là bước đầu quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Để chủ động bảo vệ sức khỏe, sản phụ cần nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo băng huyết sau sảy thai được trình bày trong phần tiếp theo.
Dấu hiệu nhận biết băng huyết sau sảy thai
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu băng huyết có thể giúp sản phụ được cấp cứu kịp thời và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp cần đặc biệt lưu ý:
- Chảy máu âm đạo nhiều và kéo dài: Máu ra ồ ạt, không có dấu hiệu giảm sau vài giờ.
- Đau bụng dưới dữ dội: Cơn đau quặn, kéo dài và không thuyên giảm.
- Tử cung to và mềm nhão: Cho thấy tử cung không co hồi tốt, dễ gây mất máu.
- Choáng, ngất, đổ mồ hôi lạnh: Biểu hiện điển hình của tình trạng mất máu cấp.
- Da xanh xao, môi nhợt nhạt: Dấu hiệu rõ ràng cho thấy sản phụ đang thiếu máu trầm trọng.
Nếu nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng trên, người nhà cần nhanh chóng đưa sản phụ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Việc chậm trễ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Xử trí ban đầu và chăm sóc sau băng huyết
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn lưu ý khi phát hiện sản phụ có dấu hiệu băng huyết sau sảy thai, cần nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu ban đầu để hạn chế mất máu và nguy cơ biến chứng:
- Cho sản phụ nằm yên, khép chặt hai chân và hạn chế tối đa việc di chuyển.
- Tránh kê gối đầu cao, giữ không gian xung quanh thông thoáng, yên tĩnh để sản phụ được nghỉ ngơi.
- Trấn an tinh thần người bệnh, đồng thời liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để đưa sản phụ đi cấp cứu kịp thời.

Sau khi vượt qua cơn băng huyết, sản phụ cần được chăm sóc đặc biệt để phục hồi thể chất lẫn tinh thần:
- Chế độ dinh dưỡng: Ưu tiên các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, đậu; kết hợp bổ sung canxi, magie và vitamin C từ rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng. Tránh đồ ăn tanh, cay nóng, có cồn hoặc chất kích thích vì có thể làm tổn thương niêm mạc tử cung.
- Kiêng quan hệ vợ chồng: Thời gian kiêng nên tối thiểu 4 tuần, hoặc 6–8 tuần nếu sảy thai muộn, để tử cung và niêm mạc âm đạo có thời gian lành lại.
- Hạn chế vận động mạnh: Không nên mang vác vật nặng hay làm việc nặng nhọc. Thay vào đó, nên đi lại nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông và giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
- Chăm sóc tâm lý: Việc sảy thai và băng huyết có thể khiến người phụ nữ tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Gia đình, đặc biệt là người chồng, nên luôn bên cạnh động viên, chia sẻ và tạo môi trường yêu thương để giúp sản phụ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Băng huyết sau sảy thai là biến chứng nguy hiểm cần được theo dõi sát và xử lý đúng cách. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải các dấu hiệu cảnh báo, hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời để giảm thiểu rủi ro cho những lần mang thai sau.